Theo một số tài liệu nghiên cứu (trong đó có nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu), vào năm 1866, một số thương gia người Ấn Độ bắt đầu mang vải vóc, hương liệu thực phẩm đến Sài Gòn mở cửa hàng bán buôn (thời điểm này Sài Gòn chỉ có khoảng 180 người Ấn).
Những người Ấn tự giới thiệu họ là người Java, vì thế người Sài Gòn gọi họ là người Chà Và. Những thương gia người Java này đã mang theo những món ăn đặc trưng của họ, trong đó có món cà-ri dê.
Từ thời điểm đó, thịt dê bắt đầu len lỏi vào đời sống ẩm thực của người Sài Gòn.
Hầu hết những người Chà Và lớn tuổi đang sinh sống tại TP HCM đều khẳng định người có công đem món thịt dê phổ biến cho người Việt là ông B. Ahamad - người Ấn Độ Malabars. Malabars là cách gọi những người Chà Và chuyên xuất nhập khẩu hàng thương mại, khác với những người Chà Và Chetty chuyên kinh doanh tiền tệ, cho vay.
Dù món cà-ri dê đã hiện diện trong chế độ ẩm thực của những người Chà Và tại Sài Gòn từ giữa thế kỷ XIX nhưng chưa phổ biến ra cộng đồng người Việt. Thuở đó, người Việt chê món thịt dê có mùi... hôi. Để có món dê cà-ri, mỗi khi có chuyến tàu trở về Ấn Độ, những người Chà Và phải đặt mua thịt dê gửi qua.
Ông B. Ahamad sinh năm 1901, nguyên quán Katana, Ludhiana, Bắc Ấn Độ cùng người anh trai cả là ông Aptrul Baship sang Sài Gòn, Việt Nam mở hãng xuất nhập khẩu vải, dầu thơm, nón nỉ và hương liệu thực phẩm từ năm 1926.
Trong những chuyến hàng nhập khẩu từ Ấn Độ bằng con đường tơ lụa xuyên biển, ông Ahamad phát hiện người Ấn ở Malaysia mở rất nhiều trang trại nuôi dê, cừu.
Nắm bắt nhu cầu ăn thịt dê, cừu của người Chà Và và những người lính Pháp gốc Marốc có mặt ở Việt Nam, năm 1939, ông Ahamad sang Malaysia tuyển chọn những chú dê, cừu ngon lành nhất đưa sang Sài Gòn bằng đường biển.
Những chú dê, cừu vẫn khỏe mạnh sau chuyến hải hành dài, ông đưa về các cánh đồng cỏ ở Thủ Đức lập trang trại rồi thuê những người đồng hương Malabars chăn thả, chăm sóc, vỗ béo. Từ đó, ông trở thành nguồn cung cấp thịt dê, cừu chủ yếu cho các trại lính Marốc.
Theo đức tin tín ngưỡng, những người Chà Và Hồi giáo không được phép ăn các loại thịt động vật khi giết mổ thiếu "thủ tục" cầu nguyện Thánh Allah. Thịt dê, cừu của ông Ahamad đáp ứng được yếu tố có "thánh Allah chứng giám", tức là khi giết thịt một con dê hoặc cừu ông đều cầu nguyện.
Nhờ yếu tố này, những người Chà Và Sài Gòn - hầu hết theo đạo Hồi - đều đặt mua thịt dê, cừu của ông Ahamad để nấu món cà-ri. Nhu cầu ngày càng lớn, ông Ahamad mở hẳn một quầy bán thịt dê, cừu kiểu đạo Hồi tại chợ Xã Tây (nay là chợ Bến Thành).
Điều đặc biệt ở loại thịt dê được "thánh Allah chứng giám" của ông Ahamad thơm tho, không có mùi... hôi đặc trưng. Vì vậy, không những người Chà Và Sài Gòn ưa thích thịt dê của Hãng Ahamad mà rất nhiều cư dân khác cũng mê tít. Có những buổi sáng, người ta phải xếp hàng dài nơi quầy thịt dê, cừu của Hãng Ahamad để mua thứ thịt giàu chất đạm này.
|
Di ảnh ông chủ hãng thịt dê B. Ahamad. |
Một vài quán ăn bắt đầu chuyên doanh các món ăn chế biến từ thịt dê, cừu theo kiểu Chà Và. Một số người đâm ghiền thịt “sư phụ” nên mua nguyên con về xẻ thịt. Thế nhưng, sau khi xả thịt, ướp gia vị, nấu xong đành… đổ bỏ. Cái mùi… hôi cứ bám theo “sư phụ” cho đến lúc đã hầm chín nhừ.
Một số người nghĩ ra cách khử mùi hôi bằng cách, trước khi giết thịt dê, người ta cưỡng bức nó uống rượu đế đến say mèm rồi dùng roi đánh tới tấp. Chú dê vừa đau vừa hoảng nhảy lồng lộn quanh chuồng khiến mồ hôi toát ra ướt nhẹp cả lông. Dù vậy, cái mùi hôi vẫn còn thoang thoảng trong nồi cà-ri.
Người ta đã bí mật đi tìm hiểu xem ông Ahamad làm thịt dê kiểu gì mà khử được mùi. Điều người ta phát hiện là, đích thân ông B. Ahamad giết thịt. Trước khi giết thịt, ông đã lầm bầm đọc… thần chú. Thế là thiên hạ đồn ầm lên rằng, người Chà Và có thần chú giải tội nên làm thịt dê không hôi?
Người ta lại đồn rằng, những ai mắc tội dâm ô sau khi chết bị Diêm Vương cho đầu thai làm dê để trả tội. Vì vậy, trước khi chết phải bị đánh đòn cho chừa… tật dê. Hết tội dê, thịt mới thơm ngon. Ông Ahamad có thần chú giải trừ sạch tội lỗi nên thịt dê mới thơm tho, ngon (?).
Bà Fatima Beevi, sinh năm 1948, là con gái ruột của ông Ahamad, cho biết: "Đó không phải là thần chú mà là câu kinh Hồi giáo. Với tín đồ Hồi giáo trước khi làm thịt một con vật đều phải đọc bài kinh để cám ơn Thánh Allah. Bài kinh đó không làm cho thịt dê hết hôi đâu".
Câu thần chú là: "Tôi xin phép giết thịt con vật của Allah ban tặng cho loài người. Xin ngài chứng giám để chúng tôi được lấy con vật này làm thực phẩm. Kính cẩn Allah”.
|
Ngôi nhà và cũng là cửa hàng thịt dê của bà Fatima Beevi. |
Ngoài việc cầu kinh trước khi giết thịt, người đồ tể còn phải xoay mặt về hướng mặt trời lặn và tuân thủ 4 điều luật: Đồ tể phải là người Hồi giáo; Dao cắt tiết phải thật bén và chỉ cắt một nhát; Cắt phải đứt gân cổ; Khi cắt phải nhằm giữa cổ con vật.
Chính nhờ tuân thủ 4 điều luật ấy mà thịt dê giết mổ kiểu Hồi giáo không còn hôi. Bởi tuyến mùi của chú dê nằm ẩn trên đầu phía sau cặp sừng. Đó là mùi quyến rũ bạn tình và cũng là lời khiêu chiến đối với tình địch của loài dê. Khi đồ tể cắt nhanh, gọn tuyến mùi không kịp lan tỏa xuống các mạch máu.
Dù vậy, ngay sau khi xả thịt, người đồ tể còn phải nhanh tay tìm một số hạch máu trong cơ thể dê để loại bỏ tức khắc. Bí quyết làm thịt dê thơm ngon chỉ có vậy.
Bà Fatima Beevi cho biết, cha của bà tức ông Ahamad đã nhanh chóng trở thành nhà thầu cung cấp thịt cừu cho lính Pháp tại Đông Dương nhờ biết nắm bắt cơ hội. Tuy nhiên, đến năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, toàn bộ hãng kinh doanh thịt của ông Ahamad bị quân Nhật tịch thu.
Năm 1947, ông Ahamad mới khôi phục lại được lò thịt dê, cừu. Tuy nhiên, do cạn vốn, ông chỉ kinh danh nhỏ.
Ông Ahamad có đến 3 bà vợ Việt và hơn 30 người con. Hai bà vợ lớn và những người con đã sang Ấn Độ định cư từ rất lâu.
Năm 1966, ông Ahamad qua đời tại Sài Gòn. Chỉ có dòng con của người vợ thứ ba là nối nghiệp ông giữ nghề mổ dê truyền thống. Bà Fatima Beevi là con của dòng vợ ba. Mẹ bà Fatima tên Nguyễn Thị Trừ, quê quán Bến Tre. Bà Trừ có 11 người con với ông Ahamad. Hiện nay, bà Trừ đã 91 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn.
Sau nhiều biến đổi thời cuộc, anh chị em của bà Fatima Beevi đều bỏ nghề chỉ còn mỗi mình bà và chồng là ông Mohamad Amine bám lấy nghề của cha. Bà Fatima Beevi và ông Amine có 11 người con đều sinh sống bằng nghề mổ dê. Sau này, do nhiều yếu tố khách quan, hầu hết các con của bà đều bỏ nghề. Ông Amine bận bịu với công việc phục vụ nhà thờ Hồi giáo (đường Đông Du, quận 1, TP HCM).
Bà Fatima Beevi và 3 người con vẫn trương biển hiệu kinh doanh thịt dê tại đường số 2, khu phố 2, phường Tân Quy, quận 7, TP HCM. Bà Fatima Beevi còn mở một trang trại nuôi dê để làm nguồn cung ứng thịt tại Bình Chánh, TP HCM.
|
Bà Fatima Beevi, con gái ông B. Ahamad, đang bán thịt dê cho khách hàng. |
Vài năm trước, một công ty chuyên cung cấp thịt dê ở bang Queensland được Lãnh sự quán Australia tại TP HCM giới thiệu, đã cử nhân viên kỹ thuật đến tận lò mổ dê của gia đình bà Fatima Beevi để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, công ty này đã mời 2 người con của bà là anh Amine Zori và cô Amina Beevi sang xưởng sản xuất ở Queensland làm cán bộ kỹ thuật với mức lương 20USD/1 giờ.
Hiện bà Fatima Beevi và cô con gái thứ 5 là Halima Beevi vẫn cung cấp thịt dê đều đặn cho các nhà hàng ẩm thực Ấn Độ khắp TP HCM.
Bây giờ khắp Việt Nam, ở đâu cũng có quán dê 7 món, thậm chí có nơi chế biến thành… 24 món, nhưng có lẽ món dê đúng gu Ấn Độ Hồi giáo chỉ duy nhất ở quán nằm trong khuôn viên thánh đường Hồi giáo trên đường Đông Du, quận I, TP HCM.